Ngành công nghiệp điện tử bắt đầu nổi lên trong thế kỷ 20 và hiện nay là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Đây là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất, phụ thuộc vào nhà sản xuất đầu chuỗi. Các doanh nghiệp FDI đóng góp chủ đạo trong chuỗi cung ứng…

Trong cơ cấu ngành công nghệ điện tử, tỉ trọng sản xuất điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam, tiếp đó là sản xuất máy vi tính, các thiết bị ngoại vi. Năm 2019, Việt Nam chỉ có chưa tới 1 triệu lao động nhưng đã tăng lên 1,3 triệu vào năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 60%.

Cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. 

Trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử, đóng góp lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 13% mỗi năm.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có rất nhiều “cơ hội sáng” để phát triển.

Theo bà Hương, trong năm 2021, nhờ kiểm soát được  dịch bệnh sớm và tốt, sớm hơn những quốc gia khác, bước sang đầu năm 2022 gần như những nhà máy sản xuất đã được trở lại bình thường hóa và và các chuỗi cung ứng đã gần như được khôi phục. Trong khi các quốc gia khác đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh. Chính vì thế, các ông lớn công nghệ cũng nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến an toàn hơn. Từ đó, để đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn không đứt gãy, rất nhiều thị trường truyền thống trước đây trong chuỗi cung ứng đã được dịch chuyển sang Việt Nam và chúng ta cũng có thể thấy được rõ.

Trong bối cảnh thị trường chung bị biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia.

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính; tăng cường thu hút FDI. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng đang đẩy mạnh liên kết kinh tế song phương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

“Phía bên Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam chúng tôi cũng đã tiếp đón khá nhiều những ông lớn đầu chuỗi từ các quốc gia lớn đều đặt vấn đề trong việc thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam”, bà Hương chia sẻ.

Theo đó, tháng 8 năm/2022, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Đài Loan nằm trong những chuỗi cung ứng lớn.

Cùng với đó, cuối tháng 8 hãng Boeing là một hãng sản xuất máy bay lớn toàn cầu cũng tổ chức một hội nghị hàng không rất lớn tại Việt Nam với mong muốn thiết lập một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Và đã có một số các nhà suppier của Boeing đã đặt căn cứ điểm tại Việt Nam.

“Chúng ta nhìn thấy bức tranh đó là một cơ hội đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử và các phụ kiện mà có thể phát triển dựa vào những việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của những ông lớn đó”, bà Hương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Hương, bên cạnh những cơ hợi sáng rõ như vậy, ngành công nghiệp điện tử còn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, chính sách chưa theo kịp sự thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt cũng như thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo được dòng vốn FDI.

Cùng với các thách thức an ninh phi truyền thống, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và sáng tạo.

Y Nhụy